21/2/14

Obama ở xa còn Nga ở gần


Obama ở xa còn Nga ở gần


BBC    Cập nhật: 16:58 GMT - thứ sáu, 21 tháng 2, 2014

Hơn một tuần qua, đợt bạo lực “tồi tệ nhất châu Âu kể từ cuộc chiến Balkans” đang diễn ra ở Kiev chiếm trọn nhiều mặt báo quốc tế.
'Xin đừng lấy tôi', người Ukraine ôm bí ngô theo phong tục trả quà đính hôn tới Sứ quán Nga
Đến ngày 21/2/2014, sau đợt quân đội dùng súng bắn tỉa giết người biểu tình và phe đấu tranh cũng bắn lại cảnh sát làm chừng 80 người chết cả hai phía, tình hình tuy tạm yên chờ bầu cử mới nhưng vẫn chưa rõ sẽ ra sao.
Bức tranh Ukraine cũng không phải chỉ có hai màu đen trắng.
Không thể nói phiến diện rằng phe biểu tình thì tốt, chính phủ thì xấu, châu Âu hay Hoa Kỳ luôn đúng và Nga thì sai bởi còn có nhiều yếu tố lịch sử, địa lý và dân tộc đan xen trong chuyện Ukraine.
Trên thực tế biểu tình ở Ukraine chỉ là sự bùng phát ra ngoài của xung khắc nội bộ ở một xã hội đang đứng ở ngã ba đường.
Giới trẻ và người dân phía Tây Ukraine hướng về EU, Hoa Kỳ nhưng láng giềng sát nách họ lại là Nga.
Di sản của quá khứ cũng đang tiếp tục tác động đến tâm tư người dân ở quốc gia 45 triệu dân, thu nhập trên 3000 USD đầu người một năm này và thể hiện ra trong các đợt biểu tình.

Địa chính trị Ukraine

Mario Platero viết trên một tờ báo ÝIl Sole-24 Ore, đã mô tả chính xác câu chuyện Ukraine như sau:
"Với ông Obama và một nước Mỹ mệt mỏi năm 2014, Ukraine chỉ là một vấn đề xa xôi "
"Với ông Putin và Nga, việc kiểm soát toàn diện Ukraine là vấn đề chiến lược sống còn, với ông Obama và một nước Mỹ mệt mỏi năm 2014, Ukraine chỉ là một vấn đề xa xôi nên để cho các đồng minh châu Âu dính vào...”
Cấm vận, một phương thức từng hữu hiệu với các nền kinh tế khép kín, có thể chỉ đẩy Ukraine nghiêng về phía Nga.
Trong khi châu Âu thông qua cấm vận, Hoa Kỳ đã kiềm chế hơn và như các tiết lộ từ điện đàm ngoại giao của Mỹ, chính quyền Obama cũng không rõ ràng về chuyện ủng hộ ai trong phe đối lập.
Thái độ của người Mỹ là hoàn toàn dễ hiểu.
Rút kinh nghiệm từ chiến tranh cựu Bosnia và Kosovo, không phải cuộc can thiệp nào của Hoa Kỳ vào châu Âu gần đây cũng để lại ấn tượng tốt với tất cả.
Mặt khác, quan hệ với Moscow vẫn luôn có tầm chiến lược hơn vùng Đông Âu và dù muốn dính líu, các quốc gia bên ngoài cũng không thể thay đổi các di sản lịch sử có từ lâu của khu vực ngoại vi nước Nga.

Lịch sử còn tác động

Dù Ukraine đã độc lập được hơn 20 năm, các dấu ấn lịch sử vẫn còn sâu đậm trong tâm trí người dân và có ảnh hưởng đến suy nghĩ của phe đối lập vốn luôn e ngại về tác động của Moscow.
Nạn đói thời Stalin năm 1934 làm chết hàng triệu nông dân Ukraine
Nhắc lại lịch sử, ngay sau Cách mạng Bolshevik năm 1917, sự hình thành Cộng hòa Xô Viết Ukraine năm 1922 đóng vai trò quan trọng cho việc lập ra Liên Xô.
Nhưng vựa lúa mì Ukraine cũng là nơi xảy ra cuộc đấu tranh gay gắt giữa phái cộng sản và phe dân tộc chủ nghĩa Ukraine, dẫn đến các đợt trấn áp đẫm máu của Stalin với phú nông, địa chủ Ukraine.
Nạn đói thời cộng sản do chính sách tịch thu lúa mì và khoai tây làm hàng triệu người dân Ukraine thiệt mạng.
30 năm đàn áp liên tục của Stalin để làm chủ Ukraine để lại dấu ấn sâu đậm tới mức nhiều người ủng hộ phe đối lập tại Kiev nay vẫn tin rằng nếu thua cuộc ở Quảng trường Maidan, họ sẽ bị công an đến nhà lôi đi vào lúc nửa đêm như chuyện xảy ra trong thập niên 1930.
Có một sự hiểu lầm rằng dân tộc người Ukraine chia làm hai khu vực ngôn ngữ tiếng Ukraine ở phía Tây và tiếng Nga ở phía Đông.
Trên thực tế, đa số người dân phía Đông chính là người Nga hoặc con cháu họ được Liên Xô đưa vào Cộng hòa Xô Viết Ukraine và tất nhiên họ không thể nào ủng hộ chủ nghĩa dân tộc Ukraine như những người dân Ukraine chính gốc ở phía Tây.
Nhiều người vẫn nghĩ chủ nghĩa cộng sản tan rã ở Nga vì chính biến tại Moscow năm 1991 và cuộc đấu đá Yeltsin-Gorbachev nhưng thực ra cuộc bỏ phiếu độc lập của Ukraine tháng 12 năm đó mới là yếu tố quyết định xóa sổ Liên Xô về mặt biên giới.
Hơn 90% người Ukraine khi đó đã bỏ phiếu chọn con đường độc lập khỏi Moscow.
Ngày nay, người dân phía Đông có nhiều cảm tình với Nga nhưng người phía Tây tiếp tục nghi ngờ chủ nghĩa Đại Nga và muốn đi về hướng khác.
Thời gian độc lập cũng quá ngắn, chưa đủ để gắn kết quốc gia và chỉ có thế hệ lãnh đạo gốc Liên Xô đầu tiên như Tổng thống Leonid Kravchuk còn khả năng dung hòa hai xu thế và nói chuyện được cả với châu Âu lẫn Moscow.
Sau Cách mạng Cam 2004, các nhân vật chính trị Ukraine đều mang khá bè phái, chỉ dựa vào một nhóm ủng hộ cụ thể mà thiếu khả năng liên kết cả nước.

Chạm vào truyền thống

Những người nói tiếng Nga ở Ukraine tiếp tục tôn thờ Stalin
Khác biệt ngôn ngữ, văn hóa hai vùng Đông Tây đã bị đẩy lên cao khi ông Viktor Yanukovych lên làm tổng thống chủ yếu nhờ ủng hộ từ vùng người gốc Nga ở phía Đông.
Ông đã phạm một sai lầm nghiêm trọng khi nhấn mạnh xung khắc vùng miền qua động tác bác bỏ một hiệp định liên kết với EU và nhận các khoản trợ giúp từ Moscow khiến phe đối lập cáo buộc ông là phản quốc.
Với Moscow, Ukraine không chỉ là vùng đất lập quốc - người Nga tin rằng tổ tiên họ đến từ vùng Kiev - mà còn đóng vai trò hàng đầu trong dự án Phục hưng không gian Liên Xô cũ của ông Putin hiện nay.
Nhưng biến động tại Ukraine đặt câu hỏi về tương lai của kế hoạch mà Nga theo đuổi.
Với chính người Ukraine, có vẻ như trước mắt bất cứ một giải pháp chính trị nào cũng khó làm hài lòng các phe phái và dù có bầu cử mới, tình hình sẽ còn bất ổn.
Châu Âu đã có kinh nghiệm đau thương về xung khắc dân tộc vì lý do lịch sử.
Sau Chiến tranh Lạnh, giải pháp xóa nhòa các mâu thuẫn truyền thống là đưa tất cả các quốc gia và dân tộc vào dưới mái nhà chung châu Âu.
Quan chức cao cấp của EU sang Ukraine nhằm thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình
Nhưng với Ukraine, mức sống, trình độ kinh tế và khoảng cách xa khu vực trung tâm của châu Âu khiến lộ trình gia nhập EU nếu có cũng còn khá xa.
Trang web của Ủy hội châu Âu mới chỉ xác nhận Ukraine là “quốc gia đối tác ưu tiên” với mục tiêu hướng tới “liên kết kinh tế và chính trị” thân thiết hơn.
Trong khi đó, sự ủng hộ của Hoa Kỳ cũng còn rất chung chung và nước Nga thì sẽ mãi mãi ở bên cạnh, thậm chí ở cả bên trong Ukraine.
Câu hỏi làm sao thoát khỏi ràng buộc của lịch sử và địa lý khiến chuyện Ukraine tiếp tục đáng quan tâm.
Đây cũng là vấn đề chung tạo nhiều gợi mở cho không ít các quốc gia khác.

BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét