24/2/14

Lãnh Đạo Từ Sau Lưng Quần Chúng


Tuesday, February 25, 2014


Lãnh Đạo Từ Sau Lưng Quần Chúng


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 140223
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Một hình ảnh khác về nước Mỹ quanh vụ Ukraine 


 * Chú Sam Tự Bắn Vào Chân - Hý họa của The Economist * 



Tổng thống Barack Obama vừa bay qua Âu Châu. 

Trên chuyến bay xuyên đại dương, từ Air Force One, Tổng thống Mỹ đã điện thoại cho Tổng thống Vladimir Putin của Liên bang Nga.

Trước hết, ông chúc mừng Thế vận hội mùa Đông đã hoàn thành mỹ mãn tại Sochi và nước Nga đạt kỷ lục về huy chương cho một Thế vận hội tốn kém nhất lịch sử Thế vận - hơn 51 tỷ đô la so với 47 tỷ của Trung Quốc cho Thế vận hội mùa Hè tại Bắc Kinh năm 2008. Sau đó, lãnh đạo hai nước trao đổi về tình hình Ukraine, mục tiêu của chuyến bay bất ngờ của Tổng thống Hoa Kỳ.

Ông Obama tới Thủ đô Bruxelles của Liên hiệp Âu Châu - trụ sở của Minh ước NATO - để thảo luận với lãnh đạo Âu Châu và giới quân sự về nhu cầu ổn định Ukraine theo nguyên tắc tự do, dân chủ, độc lập và thống nhất lãnh thổ. Ông cũng kêu gọi các định chế quốc tế và Liên bang Nga cùng hợp tác để giải quyết vụ khủng hoảng kinh tế của Ukraine.

Giới bình luận quốc tế đánh giá chuyến Âu du chớp nhoáng này là một hành động quả quyết hiếm hoi của Tổng thống Hoa Kỳ với cả Liên Âu và nước Nga....

Tất nhiên, cho tới khi báo lên khuôn thì cả đoạn trên chỉ là tin vịt.


***


Hôm Chủ Nhật 23, quả thật là Cố vấn An ninh Quốc gia Suzan Rice có cảnh báo Nga là không nên đưa quân vào Ukraine để cứu vãn một chính quyền dễ bảo của họ. Điều ấy, khiến ta nhớ tới một tiền lệ... Thế vận. 

Khi Thế vận hội Bắc Kinh khai mạc vào ngày tám Tháng Tám năm 2008 thì Putin đưa quân vào chiếm đóng hai khu vực tự trị của Cộng hòa Georgia. Và nay vẫn chưa rút. Bây giờ, bán đảo Crimea của Ukraine lại có sẵn Hạm đội Nga bên bờ Hắc hải, tại quân cảng Sevastopol! Cảnh báo là phải....

Nhưng lời cảnh báo của nàng Rice trên truyền hình Mỹ lại bị nhiễu âm đến độ khó nghe, vì cùng dịp đó, nàng khẳng định là không ân hận gì khi phát biểu về vụ thảm sát Benghazi tại Libya vào ngày 11 Tháng Chín năm 2012. Thực tế thì đấy là chuỗi phát biểu sai lạc trong một ngày Chủ Nhật 16 Tháng Chín trên năm đài truyền hình Mỹ. Một em gái Mỹ nói vừa sai vừa lạc.

Vì khi ấy Suzan Rice là Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc, không có thẩm quyền về an ninh và "chẳng liên hệ gì tới Benghazi" như cậu chủ Obama của em đã biện hộ. Mà em lại chỉ nói như vẹt về những lý do không đúng của vụ thảm sát khiến bốn người Mỹ thiệt mạng, kể cả Đại sứ Hoa Kỳ tại Libya, để tránh hậu quả bất lợi cho cuộc tranh cử Tổng thống vào Tháng 11. 

"Nhà ngoại giao là người nói dối cho chế độ", ta có thể đồng ý như vậy. Nhưng vì lộ liễu quá nên em Suzan không thể lên làm Ngoại trưởng mà đành về làm Cố vấn An ninh Quốc gia, là chức vụ không cần được Quốc hội phê chuẩn. 

Từ một tay cố vấn loại tay mơ như vậy, lời cảnh báo của Hoa Kỳ không đủ trọng lượng cho một lãnh tụ lạnh lùng gian ác như Putin. Vì vậy, đáng lẽ Obama không nên trao trả gắn bó với Suzan mà tự mình tấu lên một khúc hùng ca về cái thế của Hoa Kỳ trên đại lục địa Âu Á. 

Và khẳng định hậu thuẫn của Hoa Kỳ với lãnh đạo Âu Châu.



***

Hãy nói về quan hệ Mỹ-Âu đã.

Ngày 29 Tháng Giêng, Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ là Victoria Nuland có lời phát biểu rất tục ("F. the E.U." – xin miễn dịch!) qua điện thoại với Đại sứ Mỹ tại Ukraine về sự nhu nhược của Liên Âu trước cục diện Ukraine - sau khi nhục mạ một lãnh tụ đối lập của Ukraine là Vitali Klitschko. Cuộc đàm thoại bị tình báo Nga nghe lén, thu được và phóng lên You Tube để gây khó chịu cho các đồng minh Âu Châu của Hoa Kỳ!

Ít ra, vụ đó cũng chứng minh rằng Hoa Kỳ không là xứ duy nhất nghe lén chuyện thiên hạ....

Nói khí oan, khi cục diện Ukraine đi vào khúc quanh đầy nguy hiểm vào tuần qua thì Phó Tổng thống Joe Biden có điện thoại cho Tổng thống Ukraine là Viktor Yanukovich trước khi ông này bị truất phế, lẩn trốn và đang bị truy nã. Đấy là cuộc điện đàm thứ ba trong bốn ngày. Cùng ngày 20 đó, Tổng thống Obama cũng điện thoại cho Thủ tướng Đức Angela Merkel về chuyện Ukraine.

Đấy là phong cách "lãnh đạo từ sau lưng" của Chính quyền Obama.

Ở tại chỗ, ba Ngoại trưởng Đức, Pháp và Ba Lan đã bay thẳng vào thủ đô nghi ngút của Ukraine để gặp các lãnh tụ đối lập và Tổng thống Yanukovich. Họ làm con thoi dàn xếp giải pháp nhượng bộ với Yanukovich, cho tới khi ông ta lùi dần khỏi ghế, bị đảng của chính mình đả kích là hèn nhát bất lực và cùng phe đối lập bỏ phiếu truất phế theo tỷ lệ 328-0. Còn Ngoại trưởng John Kerry của Mỹ thì bận cảnh báo thế giới về nguy cơ nhiệt hóa địa cầu. Ai bảo là Mỹ không biết hài!

Trong vụ Ukraine, các đồng minh Âu Châu của Hoa Kỳ có quyền trông đợi một thái độ tích cực hơn về cả ngoại giao, chính trị, kinh tế và quân sự, từ Chính quyền Barack Obama.

Nhưng họ nên thông cảm, nếu nhìn vào bên trong.


***


Chì vì hôm Thứ Năm 19, khi khói lửa đã mịt mù tại Kiev và nhiều khu vực khác của Ukraine, thì Tổng thống Hoa Kỳ bận tham dự thượng đỉnh với hai nước láng giềng tại Toluca của xứ Mexico.

Cùng Thủ tướng Stephen Harper của Canada và Tổng thống Enrique Pena Nieto của Mexico, ông Obama đã có dịp phân trần.

Với xứ Canada, Thủ tướng Harper nên thông cảm là Obama chưa thể có quyết định gì về dự án thiết lập ống dẫn dầu khí Keystone XL rất có lợi cho hai nước về năng lượng và nhân dụng. Lý do là sự chống đối của phe bảo vệ môi sinh, một thành phần rộng chi cho Obama. Với xứ Mexico, Tổng thống Pena Nieto nên thông cảm là Obama chưa thể đẩy mạnh dự án cải tổ chế độ di trú và quyết định về số phận của 11 triệu người Mễ nhập cư bất hợp pháp vào Hoa Kỳ. Lý do là sự chống đối của bọn Cộng Hoà phản động!

Thế còn TPP, Hiệp định Đối tác Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương, với triển vọng đẩy mạnh ngoại thương giữa Hoa Kỳ, Canada và Mexico cùng 11 quốc gia khác của vành cung Thái Bình Dương mà ông Obama đã đưa tiêu chí là phải hoàn tất trong năm 2013? Cũng xin thông cảm cho. 

Vì Tổng thống Mỹ gặp hai con kỳ đà nặng ký của đảng Dân Chủ, là Nghị sĩ Harry Reid, Trưởng khối Đa số tại Thượng viện, và Dân biểu Nancy Pelosi, Trưởng khối Thiểu số tại Hạ viện. Họ lãnh đạo phe bảo hộ mậu dịch, protectionist, để lấy lòng các nghiệp đoàn lạc hậu và không cho Hành pháp rộng quyền thương thuyết về ngoại thương theo thủ tục gọn nhẹ là "fast track". Tờ Economist gọi đó là Chú Sam tự bắn vào chân! Ai bảo là giới kinh tế không biết giễu?

Vì vậy, ta hãy lùi lại một chút mà nhìn vào sân sau, hay ao nhà, của nước Mỹ, để khỏi nhắc tới Ukraine.

Hai chục năm trước, Tổng thống Dân Chủ Bill Clinton vận động được sự hợp tác của đảng Cộng Hoà để vượt qua cản Dân Chủ mà thông qua Hiệp định Tự do Ngoại thương Bắc Mỹ (NAFTA) với Canada và Mexico. Kết quả ngày nay là hàng năm ba nước buôn bán với nhau một lượng hàng trị giá cả ngàn tỷ và tạo ra cả triệu việc làm, với mỗi ngày một tỷ bảy chảy qua biên giới Hoa Kỳ - Gia Nã Đại và một tỷ tư qua biên giới Mỹ-Mễ. 

Đấy là hai nước đồng minh và bạn hàng cần thiết nhất của Hoa Kỳ. Vậy mà thượng đỉnh tay ba vừa qua tại Toluca, nơi có hai nhà máy lớn nhất của Chrysler, đã "tan theo ngày nắng vội"! 

Nếu mình than thì đã có người nhắc, rằng Chrysler là hãng xe của... Ý, được tập đoàn Fiat mua lại năm 2011 và từ ngày 29 Tháng Giêng vừa qua đã hoàn toàn do Fiat làm chủ, với hội sở đặt tại Âu Châu.

Lãnh đạo từ sau lưng là như vậy chăng?

__________________________

Chuyện Chỉ Có Tại Nước Mỹ

Charles Lee Warren vừa thoát một án tù có thể lên tới ba năm. Anh ta bị truy tố vì gửi hình dương vật của mình có xâm chữ khá thô tục cho một phụ nữ có con, mà không được sự đồng ý trước của bà ta. Nhưng hôm Thứ Hai 23, Tối cao Pháp viện của tiểu bang Georgia đã bác lời cáo buộc của Biện lý Quận Cherokee. Lý do là luật lệ tiểu bang không bao hàm hình ảnh gửi qua máy điện thoại lên không gian điện tử! Khi kỹ thuật chạy nhanh hơn luật lệ thì kẻ gian vẫn tràn trề hy vọng!...


Source : dainamax tribune

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét