Nhiều kêu gọi tưởng niệm 35 năm cuộc chiến chống Trung Quốc


Nghĩa trang các liệt sĩ trong chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979 bên ngoài thủ đô Hà Nội.
Nghĩa trang các liệt sĩ trong chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979 bên ngoài thủ đô Hà Nội.
Các nhóm dân sự độc lập trong và ngoài nước kêu gọi tưởng niệm 35 năm cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung ngày 17/2/1979.

Cuộc chiến xâm lược của Trung Quốc trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam đã gây ra những tổn thất nặng nề cho Việt Nam. Cho tới nay vẫn chưa có số liệu thống nhất về số thương vong từ phía Việt Nam và Hà Nội cũng chưa chính thức tưởng niệm sự kiện lịch sử nhuốm đầy xương máu này. 

Đánh dấu 35 năm cuộc chiến bảo vệ chủ quyền dân tộc, hơn 70 nhân sĩ-trí thức trong nước bao gồm những vị có tên tuổi như Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, Huỳnh Kim Báu...ngày 12/2 công bố Lời Kêu gọi trên các trạng mạng xã hội, lên án hành động xâm lược của Trung Quốc và yêu cầu chính phủ Việt Nam phải tôn vinh những người đã hy sinh vì đất nước.

Những người ký tên trong Lời Kêu gọi nói cuộc tấn công của Trung Quốc là ‘tội ác’ và là một ‘điều sỉ nhục, hèn hạ’, đồng thời cũng bày tỏ phẫn nộ về việc nhà cầm quyền Việt Nam ‘nín nhịn không cho phép công bố sự thật về cuộc chiến tranh xâm lược bẩn thỉu và dã man này.’

Chúng tôi kêu gọi các cơ quan chức năng, công an, an ninh hiểu được thiện ý rằng các hoạt động của chúng tôi là để bảo vệ Tổ quốc, thức tỉnh nhân dân đấu tranh xây dựng xã hội tự do-dân chủ.
Các nhân sĩ-trí thức Việt Nam nói sẽ ‘hèn hạ không kém nếu không dám công khai và quyết liệt vạch trần tội ác xâm lược của kẻ thù, càng phi đạo lý hơn nữa khi thỏa hiệp với luận điệu xảo trá về cái gọi là giữ gìn đại cục, chui đầu vào thòng lọng của mười sáu chữ lừa bịp để tự trói tay, trói chân mình, quay lại đàn áp nhân dân biểu tỏ lòng yêu nước, lên án giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.’

Nhóm nhân sĩ trí thức đề nghị nhà nước Việt Nam chính thức tổ chức lễ tưởng niệm cuộc chiến tranh biên giới 1979 bằng nhiều hình thức, trả lại vị trí xứng đáng cho những anh hùng-liệt sĩ đã hy sinh, và lấy ngày 17/2 hằng năm làm ngày kỷ niệm ‘cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Trung Quốc như cách ông cha từng làm với Giỗ Trận Đống Đa kỷ niệm chiến thắng đánh tan 20 vạn quân xâm lược nhà Thanh thế kỷ XVIII.’

Cùng lúc đó, nhóm hoạt động phản đối bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông với tên gọi ‘NO-U Hà Nội’ ra thông báo kêu gọi mọi người đến tham gia Lễ Kỷ niệm Ngày Biên giới Việt Nam để tri ân những liệt sĩ hy sinh bảo vệ đất nước trước ngoại xâm Trung Quốc. 

Người biểu tình giương biểu ngữ tưởng niệm 40 năm Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm tại vườn hoa Lý Thái Tổ, Hà Nội, ngày 19 tháng 1, 2014.Người biểu tình giương biểu ngữ tưởng niệm 40 năm Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm tại vườn hoa Lý Thái Tổ, Hà Nội, ngày 19 tháng 1, 2014.
Lễ Kỷ niệm dự kiến diễn ra lúc 9 giờ sáng chủ nhật, 16/2, tại Tượng đài Lý Thái Tổ, Hồ Gươm, Hà Nội.

Anh Nguyễn Lân Thắng, một thành viên tích cực của NO-U Hà Nội, cho biết thêm chi tiết:

“NO-U Hà Nội chúng tôi tổ chức sự kiện này để dâng hương, dâng hoa, đọc những lời tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho Tổ quốc. Tùy theo tình hình, chúng tôi sẽ có nhiều hoạt động khác, còn chờ xem thái độ của chính quyền và sự ngăn trở của họ ra sao.”

Buổi tưởng niệm tương tự đúng ngày này năm ngoái ở Hà Nội đã gặp phải sự sách nhiễu của chính quyền địa phương. Anh Thắng nói những sự cản trở như vậy không hề làm cho việc tổ chức sự kiện này thất bại, vì:

“Chúng tôi không nghĩ rằng việc tổ chức trọn vẹn buổi lễ là thành công vì tất cả các hoạt động của chúng tôi là nhằm tưởng niệm các liệt sĩ và kêu gọi sự quan tâm của tất cả quần chúng nhân dân đến các vấn đề của đất nước. Đồng thời, chúng tôi cũng kêu gọi các cơ quan chức năng, công an, an ninh hiểu được thiện ý rằng các hoạt động của chúng tôi là để bảo vệ Tổ quốc, thức tỉnh nhân dân đấu tranh xây dựng xã hội tự do-dân chủ.”

NO-U Hà Nội kêu gọi chính quyền và các lực lượng an ninh của nhà nước bảo đảm an toàn cho buổi lễ, không tổ chức hát hò, vui chơi thể thao và thi công trong khu vực quanh Hồ Gươm cũng như không gây khó dễ cho những người tham gia Lễ Kỷ niệm này.

Anh Nguyễn Lân Thắng tiếp lời:

“Nếu như họ có bất kỳ động thái nào ngăn trở người tham gia lễ tưởng niệm, ném mắm tôm, cắt đá, hay dùng loa phá rối sẽ là thông điệp gửi cho thế giới về thái độ của chính quyền Việt Nam đối với nhân dân, đối với xương máu của bao nhiêu đồng bào chiến sĩ đã bỏ mình vì Tổ quốc như thế nào.”

Cùng lúc đó, cộng đồng người Việt tại Philippines cũng ra thông báo kêu gọi đồng hương đang sinh sống, học tập, và làm việc ở Manila tham gia buổi tưởng niệm 35 năm cuộc chiến tranh biên giới 1979 được tổ chức trước đại sứ quán Trung Quốc.

Nếu họ có bất kỳ động thái nào ngăn trở người tham gia lễ tưởng niệm...sẽ là thông điệp gửi cho thế giới về thái độ của chính quyền Việt Nam đối với nhân dân, đối với xương máu của bao nhiêu đồng bào chiến sĩ đã bỏ mình vì Tổ quốc như thế nào.
Ban tổ chức cho biết các sinh hoạt tưởng niệm từ 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều ngày 17/2 sẽ bao gồm thắp nến, cầu nguyện, hát quốc ca, kêu gọi gìn giữ hòa bình, và lên án tội ác chiến tranh.

Cuối năm ngoái, báo chí nhà nước dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng loan báo chính phủ Việt Nam sẽ kỷ niệm sự kiện 40 năm cuộc hải chiến Việt-Trung ở Hoàng Sa (19/1/1974) và 35 năm cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung ở phía Bắc (17/2/1979).

Tờ Thanh Niên trích phát biểu của ông Dũng tại buổi làm việc với Hội Khoa học Lịch sử rằng: ‘Phải kỷ niệm. Nhưng kỷ niệm thế nào để ổn định’, ‘chứ không phải Bộ Chính trị không quan tâm’.

Bản tin này sau đó đã bị gỡ xuống và hầu như tất cả báo chí trong nước đều ngưng đưa tin về cuộc hải chiến Hoàng Sa 1974 một hôm trước ngày tưởng niệm 19/1.
Nhiều kêu gọi tưởng niệm 35 năm cuộc chiến chống Trung Quốc
Chương trình tưởng niệm, thắp nến tri ân ‘Hướng về Hoàng Sa’ dự kiến diễn ra tại Công viên Biển Đông (Đà Nẵng) cũng bị hủy vào giờ chót với lời cáo lỗi của ông Đặng Công Ngữ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Sa, rằng ‘do công tác chuẩn bị chưa được chu đáo’.

VOA