ĐẤU TRANH VÌ LƯƠNG TÂM: PHƯƠNG PHÁP CỦA GANDHI (4)
theo pro & contra
( http://www.procontra.asia/ )
Tháng 2 28, 2014
Joan V. Bondurant
Phan Trinh dịch
2.
ĐẤU TRANH CỦA NÔNG DÂN BARDOLI CHỐNG LẠI CHÍNH QUYỀN BOMBAY [i]
Ngày tháng, thời gian kéo dài, địa điểm:
1. Chính thức bắt đầu ngày 12/2/1928, kết thúc ngày 4/8/1928
2. Phong trào liên tục trong 6 tháng.
3. Đấu tranh diễn ra tại xã Bardoli trong Huyện Suraat, Bombay.
Mục tiêu:
(1) Mục tiêu cấp bách và duy nhất của cuộc đấu tranh: Thuyết phục chính quyền thực hiện cuộc điều tra khách quan về vụ tăng thuế đất tại Bardoli.
(2) Nguyên nhân bất mãn: thông qua guồng máy tùy tiện và độc đoán tại Sở Thuế, chính quyền Bombay trong năm 1927 đã tăng thuế đất tại Bardoli lên mức 22%, và khi áp dụng thực tế có trường hợp tăng đến 60%. (Trong khi đó, tòa án dân sự lại mất quyền xét xử các sai phạm về định mức thuế bởi một Đạo luật Lập pháp đặc biệt.)
(3) Phản biện của nông dân Bardoli:
(a) Mức tăng thuế là không công bằng
(b) Mức tăng thuế được đưa ra tùy tiện, không dựa trên một điều tra hoàn chỉnh và phù hợp nào.
(c) Báo cáo của nhân viên Sở thuế không chính xác.
(d) Việc tăng thuế không có lý do chính đáng.
(4) Ý nghĩa rộng của phong trào: Mặc dù chiến dịch chỉ giới hạn vào một mục tiêu ở địa phương, nhưng Gandhi giải thích rằng tình trạng tương tự cũng xảy ra tại nhiều nơi trên toàn cõi Ấn Độ, và kinh nghiệm tại Bardoli có thể có ảnh hưởng lan rộng. Nhiệm vụ chống lại những sưu thuế bất công là nhiệm vụ chung. Gandhi viết trên tờ Young India (8/3/1928) rằng: “Bất cứ điều gì đánh thức được lương tâm con người về điều sai trái mình làm, bất cứ điều gì cho ta thêm sức mạnh để đấu tranh trong kỷ luật, ôn hòa và giúp ta chung chịu nỗi đau chung đều góp phần đưa chúng ta đến gần hơn với nền độc lập.”
Người tham gia và lãnh đạo đấu tranh vì lương tâm:
(1) Tổng chỉ chuy chiến dịch: Ông Sardar Vallabhbhai Patel, được dân chúng mời đến Bardoli để lãnh đạo cuộc đấu tranh chống bất công.
(2) Lãnh đạo thứ cấp: Các công nhân xây dựng, gồm cả hai người Hồi giáo từng làm việc với Gandhi tại Nam Phi. Cũng có một số phụ nữ từ huyện khác, trong số có một phụ nữ gốc Parsi đến từ Thành phố Bombay.
(3) Vai trò của Gandhi: Gandhi hỗ trợ chiến dịch thông qua các bài viết của ông trên tờ Young India. Ông đến thăm Bardoli sáu tháng sau khi cuộc đấu tranh bắt đầu, và đặt mình dưới quyền điều động của Sardar Patel.
(4) Những thành viên đấu tranh vì lương tâm tích cực (“tình nguyện viên”): Con số lên đến 250 người, bao gồm người Ấn Độ giáo thuộc đủ mọi đẳng cấp hay không thuộc đẳng cấp nào, những người Hồi giáo, một số ít người Parsi. Cũng có vài ngàn thổ dân Kaliparaj hợp tác với phong trào. Phụ nữ được tham gia tự do và lãnh đạo một số những hoạt động trọng tâm.
(5) Những cảm tình viên và người hợp tác: Hầu hết người dân trong xã (tổng dân số là 87.000 người) cuối cùng đều hợp tác. Lúc đầu cũng có sự lưỡng lự của giới cho vay tiền, những trưởng ấp, trưởng thôn, và cấp dưới của họ, nhưng về sau những người này lại tham gia chiến dịch, trưởng ấp, trưởng thôn quyết định từ chức.
Người tham gia và lãnh đạo hàng ngũ đối phương:
(1) Quan chức tại Sở Thuế
(2) Cảnh sát huyện, được yểm trợ bởi một lực lượng bổ sung gồm những người Pathan (người theo Hồi giáo ở Tỉnh Biên giới Tây Bắc) được điều tới từ Thành phố Bombay (được cho là những kẻ “mạnh-tay”)
(3) Thống đốc Bombay, người tuyên bố rằng vấn đề nằm ở chỗ “liệu có nên thi hành lệnh Hoàng đế nước Anh trên phần lãnh thổ của ngài, hay nên nghe theo yêu sách của một nhóm cá nhân không chính thức. Đó là vấn đề mà chính quyền sẵn sàng giải quyết bằng tất cả mọi sức mạnh có trong tay.”
Tổ chức và chương trình hỗ trợ :
(1) Tổ chức nòng cốt: Bốn trung tâm hỗ trợ được thành lập tại địa bàn.
(2) Tổ chức mở rộng: Với xã Bardoli là tổng hành dinh, tổng cộng có 16 trại đấu tranh vì lương tâm được thành lập tại các làng thôn khác nhau trên địa bàn.
(3) Văn phòng truyền thông: Từ tổng hành dinh, một bản tin hàng ngày được phát hành, bên cạnh những tờ rơi, truyền đơn và các diễn văn của Sardar Patel. Ban đầu, 5.000 bản tin được in ra tại Surat (trung tâm huyện), và được phân phối miễn phí, thông qua các tổ chức đấu tranh vì lương tâm, đến tay nông dân tại Bardoli. Sau đó, số in tăng lên 14.000 để có thể phân phát đến tận những làng xã và thị trấn trong tỉnh. Người ngoài tỉnh có thể đặt mua bản tin.
(4) Hệ thống chỉ đạo chiến dịch: Các chỉ thị cho tình nguyện viên được tổng hành dinh đưa ra và được những người đưa tin truyền đạt đến tình nguyện viên.
(5) Họat động hỗ trợ: Việc quay tơ dệt vải và các hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội khác được thực hiện trong suốt chiến dịch, với điểm nhấn là chương trình mọi người mặc áo khadi (áo vải dệt bằng tay). Mọi thành viên đấu tranh vì lương tâm đều mặc áo khadi như đồng phục.
Chuẩn bị hành động:
(1) Hướng dẫn dân chúng về ý nghĩa cuộc đấu tranh: Bài thuyết trình của người lãnh đạo nhấn mạnh đến việc cần giữ kỷ luật và chuẩn bị sẵn sàng đương đầu với gian khó và chấp nhận khắc khổ. Phản ứng của chính quyền được dự đoán trước là sẽ khắc nghiệt, bao gồm cả những biện pháp mạnh như giam tù và tịch thu đất đai.
(2) Tận dụng truyền thông đại chúng: Những bài hát về chiến dịch đấu tranh vì lương tâm được sáng tác và tập dượt. Những cuộc hội họp đông người được tổ chức, trong đó người tham dự cầu nguyện chung, hát những ca khúc đấu tranh và đọc cho nhau nghe những trích đoạn tự truyện của Gandhi.
(3) Thu hút sự tham gia của dân trong xã: Thu thập chữ ký của người dân trong xã cho cam kết đấu tranh vì lương tâm. Nỗ lực chuyển hóa các trưởng xã, trưởng thôn về với chính nghĩa bằng cách thuyết phục họ trở thành người phát ngôn cho nhân dân mình, thay vì làm tay chân cho chính quyền. Bản tin từ những xã lân cận, với những lời chia sẻ và động viên, được lưu truyền rộng rãi.
(4) Liệu trước những bất đồng: Có tài liệu cho thấy sự phản đối từ những người không ký cam kết đấu tranh vì lương tâm. (Sau này, họ có bị tẩy chay về mặt xã hội, nhưng mọi người vẫn thận trọng để không làm họ mất khả năng sinh sống thối thiểu.) Nông dân được chuẩn bị tinh thần để bỏ canh tác trên các mảnh đất có thể còn tranh chấp, do chủ nhân từ ngoài tỉnh mua lại.
Hành động khởi đầu:
(1) Phản đối báo cáo của Sở Thuế về tình hình xã: Sự phản đối được bày tỏ từ giữa năm 1926. Chi nhánh của Đảng Quốc đại địa phương đã cho phổ biến một báo cáo phản biện, cho thấy nông dân không thể đáp ứng được mức thuế điều chỉnh.
(2) Kiến nghị: Một Ủy ban do Đảng Quốc đại thành lập đến gặp và trao kiến nghị cho Nghị viên Phụ trách Thuế vụ thuộc Chính quyền Tiểu bang vào đầu năm 1927.
(3) Hội nghị: Một hội nghị được tổ chức tại Bardoli vào tháng 9/1927, và mọi người đồng ý kiên quyết không trả thêm đồng thuế nào cho khoản gia tăng vừa điều chỉnh.
(4) Patel được mời lãnh đạo cuộc đấu tranh vì lương tâm: Sau khi có sắc lệnh của chính quyền vào ngày 5/1/1927 yêu cầu nhân viên tiến hành thu thuế, Patel đã nghiên cứu tình hình chung và chấp nhận trở thành chủ tịch của hội nghị nông dân, tổ chức vào ngày 4/2.
(5) Patel đề xướng việc trao đổi tin thư với chính quyền: Khi chính quyền phản hồi rằng họ sẽ “không nhượng bộ bất cứ điều gì”, một nghị quyết đã được thông qua vào ngày 12/2, nêu rõ yêu cầu cần mở một cuộc điều tra và cho thấy nông dân sẽ kiên quyết không đóng thuế cho tới khi chính quyền chấp nhận mức thuế cũ là đã đủ, hoặc cho tới khi một toà án độc lập được bổ nhiệm để điều tra toàn bộ tình hình.
Hành động:
(1) Bất hợp tác: Nông dân đóng cửa không tiếp nhân viên thu thuế, hoặc mở cửa cho vào nhưng sau đó đọc to cho họ nghe trích đoạn các diễn văn của Patel, hoặc tìm cách tranh luận để thuyết phục rằng họ không thể thu thuế. Khi cảnh sát được điều tới để phá cửa và tịch thu công cụ sản xuất của nông dân thì nông dân bắt đầu tháo gỡ xe cộ và những nông cụ khác đem giấu mỗi món mỗi nơi.
(2) Vi phạm kỹ thuật: Phụ nữ tình nguyện dựng chòi và cắm trại tại các khu đất đai tranh chấp. Nông dân tiếp tục gieo cấy bất chấp tính cách pháp lý của mảnh đất đã thay đổi.
(3) Chấp nhận bị bắt: Người tình nguyện bám theo nhân viên công vụ bất cứ nơi đâu, cắm trại ngay trên đường, ngay bên ngoài các chòi chỉ huy của nhân viên công vụ. Khi bị bắt, họ liền được thay thế bằng những người khác “cho tới khi chính quyền mệt mỏi với việc bắt bớ mới thôi.”
(4) Từ chức, từ nhiệm: Những viên chức nhỏ thuộc chính quyền cấp xã, ấp, thôn được thuyết phục để bày tỏ sự bất đồng. Một số Nghị sĩ của Hội đồng Lập pháp Bombay đã từ nhiệm để biểu lộ đồng tình với người đấu tranh.
(5) Phản đối ở cấp quốc gia: Ông Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Trung ương đã trình bày thông tin và dữ liệu cho vị Toàn quyền được biết và đóng góp rất lớn cho quỹ đấu tranh đấu tranh vì lương tâm, ông cam kết đóng góp tài chính hàng tháng.
(6) Đối đãi tử tế với đối phương: Nhân viên thu thuế được cung ứng mọi nhu cầu “với giá thị trường”. Patel tiếp tục nhắc nhở mọi người giữ gìn bất bạo động và không thù ghét đối phương, ông giải thích rằng họ có thể “làm tan chảy ngay cả trái tim chai đá của một quan chức độc đoán.” Mức phí miễn dịch vụ, vốn không gia tăng, vẫn được trả đầy đủ. Những người cầm đầu đấu tranh nhắc mọi người đối xử với lực lượng an ninh “tay to” và đặc biệt là các viên chức theo đạo Hồi như những người bạn.
(7) Tẩy chay xã hội: Tiến hành với sự kiềm chế. Những ai bị phát hiện là rời bỏ đường lối chung sẽ được vận động để trả một khoản tiền “trả trước thay vì trả sau”, và trong vài trường hợp, một số đã dùng khoản đóng thuế để góp vào quỹ đấu tranh vì lương tâm.
(8) Từ bỏ các chiến thuật bạo động: Những đề xuất có tính gây hấn như dựng hàng rào dọc đường hay đâm thủng bánh xe đã bị bác bỏ dứt khoát.
(9) Không-sở-hữu cũng là đấu tranh: Mọi vật dụng tiện nghi đều được loại bỏ, ngay cả chậu vại bằng đồng thau, tất cả vì mục tiêu “… không cho chính quyền chỗ đặt tay.”
(10) Điều chỉnh yêu sách: Vào tháng 7/1927, Patel được mời hội ý với Thống đốc. Chính quyền tiếp tục đòi hỏi dân đóng đủ thuế trước khi họ đồng ý mở cuộc điều tra, có thể sẽ do một nhân viên Thuế vụ tiến hành, cùng với một nhân viên Tòa án. Patel chấp nhận nguyên tắc về một cuộc điều tra chính thức, nhưng với điều kiện cuộc điều tra phải khách quan trong bản chất và đại diện của người dân phải được mời cung cấp bằng chứng. Một số các điều kiện khác cũng được nêu ra:
(a) Các tù nhân bị bắt khi đấu tranh vì lương tâm phải được trả tự do.
(b) Phục hồi lại toàn bộ đất đai bị tịch thu.
(c) Trả tiền bằng giá thị trường cho mọi công cụ và tài sản cơ giới bị tịch thu.
(d) Khoan hồng và chấm dứt mọi vụ sa thải người và trừng phạt xuất phát từ cuộc đấu tranh.
Patel tái khẳng định ý muốn của những người đấu tranh vì lương tâm là đạt được một giải pháp danh dự cho cả chính quyền lẫn dân chúng.
(11) Đạt được thỏa thuận: Vào ngày 4/8/1927, một kế hoạch chung được thỏa thuận giúp người đấu tranh đạt được tất cả những đòi hỏi căn bản của mình và cùng lúc giữ được thể diện cho chính quyền.
Phản ứng của đối phương:
(1) Chiếm đất: Chiếm đoạt đất đai quy mô lớn bù lại cho việc không trả thuế. Có trên 1.500 Thông báo Tịch biên Tài sản được ghi nhận.
(2) Tịch thu công cụ: Cảnh sát, với lực lượng hỗ trợ từ Pathan, dùng vũ lực để tịch thu tài sản cá nhân, kể cả những thứ như dụng cụ bếp núc, chiếu, xe kéo, trâu bò.
(3) Bắt người: Bắt người quy mô lớn với tội danh cản trở thi hành pháp luật và vi phạm hình sự.
(4) Bạo động: Diễn ra liên tục các vụ cảnh sát đánh người gây thương tích cá nhân.
(5) Ngụy tạo bằng chứng: Lừa phỉnh để nông dân đóng thuế bằng cách nói rằng một người tiếng tăm nào đó trong xã đã đóng thuế. Có trường hợp một cán bộ thuế tự trả thuế và ép nông dân nhận biên lai (giả vờ như nông dân tự trả), rồi dùng họ làm ví dụ điển hình.
(6) Tuyên truyền chống lại những người tổ chức đấu tranh: Nhiều tin đồn lan ra rằng dân trong xã bị khủng bố bởi những kẻ xấu bên ngoài nên không dám đóng thuế.
(7) Loan báo miễn phạt nếu trả trễ: Vào những tháng cuối chiến dịch đấu tranh, chính quyền cho thu thuế trễ, bằng cách hứa sẽ không phạt tiền nếu nông dân trả thuế, tuy trễ nhưng vẫn còn trong thời gian quy định.
(8) Phổ biến thông tin phản tuyên truyền: Văn phòng Thông tin Tiểu bang cung cấp tờ rơi, Chỉ huy Đội Thu thuế Huyện chỉ đạo việc phân phát tờ rơi đến người dân.
(9) Dùng những nhóm thiểu số: Đưa những người theo đạo Hồi vào làm nhân viên công vụ và cảnh sát để chia rẽ nông dân trên nền tảng phe phái tôn giáo; tạo áp lực đối với người gốc Parsi và Bania (chuyên cho vay tiền). Người Bania sau đó khuyến dụ người khác giữ tiền mặt, để dễ tịch thu, và cách này trên thực tế đã làm tròn số thuế phải đóng.
(10) Nhượng bộ chung cuộc: Theo diễn biến của chiến dịch, người gốc Pathan được đưa ra khỏi lực lượng cảnh sát. Một số làng xã được sắp xếp lại sau khi mức thuế được hạ xuống. Yêu cầu tổ chức điều tra cuối cùng được đáp ứng sau khi người đấu tranh bất bạo động cam kết sẽ đóng thuế khi các điều kiện liên quan được thực hiện. Lời lẽ trong bản thỏa thuận cho phép chính quyền giữ được thể diện.
Kết quả:
(1) Ủy ban Điều tra (được biết đến với tên Ủy ban Broomfield) được chỉ định, qua đó thực hiện yêu cầu đầu tiên và duy nhất của cuộc đấu tranh vì lương tâm. Ủy ban này điều tra tình hình ở Bardoli và địa bàn Chorasi lân cận, từ tháng 11/1928 đến tháng 3/1929. Đại diện của các làng xã được tự do lên tiếng. Ủy ban sau này báo cáo rằng dân chúng “tuy không thiếu gì những phàn nàn, nhưng hoàn toàn không có thái độ thù hận…”
(2) Trả lại đất bị cướp: Đất bị cướp được trả lại cho chủ nhân. Chỉ huy Đội Thu thuế Huyện, người đã từng tuyên bố đất bán rồi không bao giờ thu hồi lại được, được thay thế bởi một Chỉ huy khác, người đã hoàn tất việc giao trả đất cho dân.
(3) Mọi người đấu tranh bất bạo động đều được trả tự do.
(4) Các viên chức nhỏ từ chức trong thời gian đấu tranh được phục hồi vị trí.
(5) Điều chỉnh mức tăng thuế: Ủy ban Điều tra đề nghị mức tăng thuế đất không quá 6,25 phần trăm. Nhưng trong thỏa thuận cuối cùng về mức thuế mới, những yếu tố mà Ủy ban cho là mình không có đủ thẩm quyền quyết định cũng được đưa ra cứu xét theo yêu cầu của nông dân, và kết quả là gần như không có mức tăng thuế đất nào được đưa ra tại Bardoli nữa.
(6) Sự hợp tác chặt chẽ giữa tín đồ Ấn Độ giáo và Hồi giáo, giữa người cho vay và nông dân, và giữa những bộ phận khác nhau trong cộng đồng. Thực vậy, hiệu ứng lan rộng từ Bardoli đã tỏa đi rất xa. Theo nhận xét của Nehru: “thành công thực sự của chiến dịch này … nằm ở ảnh hưởng mà nó có được đối với nông dân toàn cõi Ấn Độ. Bardoli trở thành tín hiệu và biểu tượng của hy vọng, của sức mạnh và của chiến thắng đối với nông dân Ấn Độ.”
***
ĐÚC KẾT CHIẾN DỊCH BARDOLI
Cuộc đấu tranh ở Bardoli là ví dụ điển hình cho một chiến dịch đấu tranh vì lương tâm đầy đủ, diễn ra gần như theo đúng từng bước và tuân thủ những luật lệ nền tảng được Gandhi đề ra trong phương pháp đấu tranh vì lương tâm.
Đòi hỏi chính đáng, hay “sự thật”, ở Bardoli là chính quyền phải mở một cuộc điều tra khách quan về việc tăng thuế đất. Đây là mục tiêu mà người tham gia đấu tranh theo đuổi đến cùng, không nhượng bộ. Họ cho thấy sự chân thành và kiên định thông qua việc chấp nhận những hình phạt như bắt bớ và tịch thu đất đai – đó là những hình phạt được áp dụng khi họ từ chối nộp thuế chiếu theo luật pháp.
Hành vi bất bạo động là đặc thù của chiến dịch. Những chiến thuật thuyết phục được áp dụng, bao gồm cả yếu tố có tính ép buộc là tẩy chay xã hội. (Vì điều này, chính quyền cho rằng bên đấu tranh đã đe dọa “tuyệt thông” với ai không ủng hộ.) Tuy nhiên, những hành vi trả đũa rõ ràng đã được giữ ở mức tối thiểu và những người lãnh đạo cuộc đấu tranh cho thấy rất rõ họ sẵn sàng đón nhận bất cứ người nào muốn tham gia phong trào, vào bất kỳ giai đoạn nào, cả những người trở lại sau một thời gian rời bỏ hàng ngũ. Hành động đấu tranh nhắm vào đối phương là bất hợp tác và bất bạo động ở mức cao độ. Những nhu cầu cơ bản vẫn được cung ứng cho nhân viên nhà nước, và những đề nghị gây tổn hại vật chất (như chọc thủng bánh xe) đã bị bác bỏ.
Biện pháp mạnh đã chỉ được tiến hành vào lúc những nỗ lực không ngừng nhằm thương lượng, kiến nghị, và các phương pháp hợp hiến khác đều thất bại, không giải quyết được nỗi bất bình nghiêm trọng trong dân.
Công tác chuẩn bị tiến hành biện pháp mạnh bao gồm việc thường xuyên hướng dẫn người tham gia về bổn phận của người đấu tranh vì lương tâm. Không có chứng cớ nào cho thấy chiến dịch phải dùng đến tuyệt thực như một cách thanh tịnh bản thân. Bằng hình thức cầu nguyện, đọc sách chung và hát cộng đồng, có thể thấy việc chuẩn bị tinh thần cho người đấu tranh được đặt trên nền tảng đạo đức rõ rệt.
Trong giai đoạn khởi động phong trào, các cuộc mít tinh lớn thường được tổ chức rộng rãi. Nhưng tuần hành hoặc biểu tình công cộng diễn ra không nhiều, vì trong trường hợp Bardoli đại đa số người dân đều ủng hộ mục tiêu của cuộc đấu tranh vì lương tâm. Nghị quyết đưa ra ngày 12/2 được xem như tối hậu thư của cuộc đấu tranh Bardoli, vì nó loan báo quyết tâm không đóng thuế cho tới khi chính quyền bổ nhiệm một tòa án độc lập, hoặc như một hướng giải quyết khác, chính quyền chấp nhận số tiền thuế đất cũ, trước khi được điều chỉnh, là đầy đủ.
Tẩy chay kinh tế chỉ giữ một vai trò rất nhỏ trong chiến dịch, và mang hình thức từ chối cung cấp cho các quan chức chính quyền và những người chống đối khác những sản phẩm vật dụng và dịch vụ không thuộc loại thiết yếu.
Cuộc đấu tranh vì lương tâm tại đây phần lớn có hình thức bất hợp tác. Chỉ có một hành vi bất tuân dân sự đáng chú ý là việc tiếp tục cày cấy trên mảnh đất đã bị tịch thu, làm như là đất đai kia vẫn chưa hề đổi chủ. Xâm nhập trái phép có tính biểu tượng cũng được thực hiện – nhất là do những phụ nữ tự nguyện – bằng cách xây nhà chòi và cắm trại trên những miếng đất bị tịch thu trái phép.
Bước cuối cùng trong phong trào nhắm trực diện vào chính quyền, tức đứng ra thay thế chức năng của chính quyền, chỉ có mặt phần nào trong chiến dịch Bardoli. Dĩ nhiên, ủy ban điều hành đấu tranh vì lương tâm điều động hầu hết sinh hoạt của người dân toàn địa bàn, nhất là trong những tháng cuối chiến dịch. Khi một quan chức chính quyền muốn mua, muốn dùng một dịch vụ nào đó trên địa bàn, thì họ phải có phép của ban chỉ huy đấu tranh vì lương tâm. Yếu tố này của chiến dịch đã trở thành một mối đe dọa đáng báo động dành cho chính quyền đang ở thế đối lập với dân chúng. Câu hỏi mà vị Thống đốc đặt ra, rằng không biết nghe “lệnh Vua” hay nghe “yêu sách của một nhóm người không chính thức” là một câu hỏi rất nặng ký.
So với những chuẩn mực của đấu tranh vì lương tâm, chiến dịch ở Bardoli có thể nói đã tuân theo với sự nhất quán cao độ. Phong trào được chính những người có quyền lợi liên quan trực tiếp duy trì và vận hành. Tính chủ động cũng được những người đấu tranh giữ gìn, cho tới khi có thỏa thuận cuối cùng. Phản ứng của chính quyền thường chỉ đi sau một bước thành công của cuộc đấu tranh. Điều này có thể thấy được qua các biện pháp tuyên truyền chống phá của chính quyền. Dĩ nhiên, một số động thái bất hợp tác đòi hỏi chính quyền phải đi bước trước. Khi chính quyền ra thông báo cuối cùng yêu cầu trả thuế hoặc bị tịch thu đất đai thì dân chúng đã phản ứng lại bằng cách bất hợp tác. Điều này được thực hiện thông qua việc gửi thư từ chối, kết hợp với các tranh luận để thuyết phục, nhắm vào các cá nhân quan chức, kêu gọi họ từ nhiệm, thay vì cố sức thực hiện việc chiếm đất.
Những đòi hỏi của cuộc đấu tranh được giữ ở mức tối thiểu, và đang khi cuộc đấu tranh diễn ra, những đòi hỏi này cũng được điều chỉnh – trong trường hợp này, điều chỉnh theo hướng tăng thêm – bao gồm cả đòi hỏi trả lại các khoản tiền phạt tích lũy trong thời gian đấu tranh.
Quảng bá là một phần rất quan trọng của chiến dịch (trong cuộc đấu tranh tại Vykom, điều này lại thiếu). Việc quảng bá rộng rãi cuộc đấu tranh không chỉ bồi đắp sự tự tin của nông dân tại Bardoli, và góp phần kiểm soát những hoạt động chung, mà còn giúp phong trào thu hút được sự ủng hộ lớn, về cả ngân quỹ lẫn sự ủng hộ tinh thần từ những quận huyện lân cận, và cuối cùng là từ đồng bào cả nước.
Việc liên tục đánh giá lại tình hình và xem xét những khuyết điểm nội bộ được thực hiện bởi những lãnh tụ tài ba của phong trào, đặc biệt là của Sardar Patel, một bậc thầy về tổ chức. Chiến thuật mới luôn được đưa ra khi tình hình cụ thể đòi hỏi. Phong trào đã không hề né tránh hay che đậy các điểm yếu nội bộ trong bất cứ lúc nào. Vấn đề tế nhị là duy trì sự thống nhất trong hành động giữa các cộng đồng tôn giáo khác nhau, đẳng cấp xã hội khác nhau, ngành nghề khác nhau trong dân chúng Bardoli không hề bị xem nhẹ. Phe đối phương tìm cách kích động các mâu thuẫn này bao nhiêu thì càng đòi hỏi những biện pháp hóa giải xuất sắc bấy nhiêu. Đặc tính tiến bộ của đấu tranh vì lương tâm có thể thấy được khi phong trào chuyển từ việc nhấn mạnh đến “vượt qua sợ hãi” vào giai đoạn đầu, qua “hòa bình” và đoàn kết ở những giai đọan sau. Sức mạnh của nông dân tham gia đã tăng lên không ngừng thông qua việc họ hợp tác với nhau.
Sardar Patel, lãnh tụ phong trào, thường xuyên loan báo ước muốn được ngồi xuống thương lượng với chính quyền. Tuy nhiên, chưa khi nào ông từ bỏ những đòi hỏi then chốt của phong trào. Khi thỏa thuận cuối cùng đạt được, Patel chấp thuận lá thư của chính quyền yêu cầu rằng thuế gốc phải được trả trước khi mở cuộc điều tra. Lời lẽ viết trong thỏa thuận, rằng “các điều kiện phải được đáp ứng” cho phép chính quyền giữ thể diện, nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của người đấu tranh. Cuối cùng, đã có một thỏa thuận toàn phần giữa lãnh đạo đấu tranh vì lương tâm và chính quyền về một cuộc điều tra độc lập theo đòi hỏi của nông dân.
***
3.
ĐẤU TRANH CỦA CÔNG NHÂN AHMEDABAD [ii]
Ngày tháng, thời gian kéo dài, địa điểm:
(1) Từ tháng 2 đến tháng 3, năm 1918.
(2) Thời gian kéo dài chính thức là 25 ngày.
(3) Tranh chấp diễn ra giữa những công nhân dệt may và chủ nhân nhà máy tại Ahmedabad ở Bombay.
Mục tiêu:
(1) Bối cảnh: Tranh chấp – về số tiền trợ cấp “giá cả đắt đỏ” cần trả cho công nhân dệt may – bắt đầu với việc hủy bỏ một khoản hỗ trợ đặc biệt dành cho công nhân (vào tháng 8/1917) để họ tiếp tục làm việc trong thời gian dịch bệnh lan tràn. Khoản “hỗ trợ dịch bệnh” này, có trường hợp lên đến 70 hay 80 phần trăm lương công nhân, được tiếp tục trả sau khi bệnh dịch đã giảm. Vào tháng 1/1918, khi giới chủ nhân nhà máy cho biết ý định hủy bỏ khoản hỗ trợ này, công nhân đã đề nghị được tăng lương, ít nhất là 50 phần trăm so với lương vào tháng 7/1917, như một hình thức tiếp tục trợ cấp giá sinh hoạt đắt đỏ. Công nhân cho thấy giá cả đã tăng vọt thế nào, lên đến hai hoặc bốn lần giá cũ.
Gandhi lần đầu tiên biết được tình hình vừa kể là do một trong các chủ nhân nhà máy thông báo, người này nhờ ông can thiệp. Ông đến Ahmedabad và bắt đầu cuộc điều tra riêng. Cả hai bên đồng ý đưa tranh chấp ra trước một ban trọng tài, mỗi bên sẽ có ba người đại diện trong ban. Gandhi là một trorng những người được ủy nhiệm thay mặt cho công nhân.
Việc phân xử chưa đi đến đâu (và Gandhi cũng có việc tạm rời Ahmedabad) thì công nhân tại một số nhà máy, vì sợ bị giới chủ nhân cấm đi làm, tổ chức đình công. Vì điều này, cuộc phân xử đổ bể, giới chủ nhân tuyên bố sẽ không tuân thủ kết luận gì của ban trọng tài, và sẽ sa thải tất cả mọi công nhân nếu họ không chịu coi mức tăng 20 phần trăm như trợ cấp đắt đỏ.
Khi Gandhi điều tra thêm về cuộc sống công nhân và giá sinh hoạt, ông kết luận rằng tăng lương 35 phần trăm mới là mức hợp lý. Ông khuyên công nhân đòi hỏi không hơn và cũng không kém mức 35 phần trăm. Khi giới chủ nhân bác bỏ đòi hỏi này, xung đột đã diễn ra. Gandhi lúc đầu bước vào cuộc tranh chấp với tư cách người hòa giải nay trở thành lãnh đạo của công nhân, và ông dùng hình thức đấu tranh vì lương tâm như phương pháp để đạt được giải pháp tích cực.
(2) Mục tiêu trước mắt: Tăng 35 phần trăm trợ cấp giá cả sinh hoạt, hoặc đưa tranh chấp ra phân xử.
Người tham gia và lãnh đạo đấu tranh vì lương tâm:
(1) Gandhi: Điều lạ lùng trong cuộc đấu tranh vì lương tâm tại Ahmedabad là quan hệ cá nhân gần gũi giữa người lãnh đạo của hai phe đối đầu. Gandhi vừa là bạn của những công nhân, vừa là bạn của giới chủ nhân.
(2) Lớp lãnh đạo thứ hai: Chị Anasunya Sarabhai, người có tài tổ chức hoạt động cho công nhân, là người tiên phong của các công nhân tham gia đấu tranh vì lương tâm. Trong khi đó, anh cô, Ambalal Sarabhai, lại là lãnh tụ đại diện cho quyền lợi của giới chủ nhân nhà máy. Những lãnh đạo đấu tranh vì lương tâm khác còn có Vallabhbhai Patel, Chhaganlal Gandhi, và Shankarlal Banker.
(3) Người tham gia: Bao gồm hàng ngàn (từ 5.000 đến 10.000) công nhân trong các nhà máy dệt tại Ahmedabad.
Người tham gia và lãnh đạo hàng ngũ đối phương:
(1) Ban điều hành nhà máy: Được đại diện bởi Nhóm Đại diện các Nhà máy Dệt
(2) Lãnh tụ chính: Ambalal Sarabhai, Gandhi mô tả là người “hậu thuẫn cho lập trường không khoan nhượng với đình công của giới chủ nhân nhà máy”. Gandhi dành cho ông những lời trân trọng này: “Sự quyết tâm và chân thành thẳng thắn của anh rất tuyệt vời và chạm đến trái tim tôi. Thật là một vinh dự được đối đầu với anh.”
Tổ chức và chương trình hỗ trợ:
(1) Nguyên tắc tự cung tự cấp: Gandhi nhấn mạnh là trong thời gian đình công, các công nhân nên kiếm sống bằng cách tìm một việc làm khác. Nhiều người được mướn để xây ngôi trường dạy quay tơ tại một cộng đoàn của Gandhi.
(2) Hoạt động hỗ trợ an sinh: Gandhi và những lãnh tụ khác hướng dẫn công nhân cách giữ gìn vệ sinh, cung cấp hỗ trợ y tế và các hỗ trợ khác, và tổ chức thu thập thông tin về điều kiện sinh sống của công nhân. Từ kinh nghiệm đấu tranh này, về sau hình thành Hiệp hội Công nhân Dệt may Ahmedabad, với các chương trình quy mô lớn vì quyền lợi an sinh của hội viên.
(3) Bản tin hàng ngày được phát hành.
(4) Các buổi họp hàng ngày để giải quyết những vấn đề phát sinh.
Chuẩn bị trước khi hành động:
(1) Huấn thị dành cho người đấu tranh:
(a) Không bạo động.
(b) Không quấy nhiễu những công nhân “bỏ cuộc”
(c) Không sống nhờ vào của bố thí, nhưng tự túc bằng những công việc khác.
(d) Không đầu hàng, dù đình công kéo dài đến đâu.
(2) Lời hứa đấu tranh vì lương tâm lặp lại vào buổi họp mỗi ngày:
(a) Không đi làm cho tới khi có bảo đảm tăng lương 35 phần trăm (tăng dựa trên mức lương vào tháng 7 trước đó).
(b) Không quậy phá, cãi cọ, trộm cắp, tước đoạt, hoặc nói lời thô tục, hoặc làm hư hỏng tài sản của giới chủ nhân, và hành xử ôn hòa trong thời gian bị cấm cửa đến nhà máy.
Hành động:
(1) Biểu tình tuần hành: Những cuộc tuần hành hàng ngày diễn ra trên đường phố Ahmedabad với biểu ngữ “Ek tek!” (Nhất trí, một lòng!)
(2) Phản ứng khi chủ nhân chấm dứt cấm cửa: Sau khi giới chủ nhân loan báo nhà máy sẽ mở cửa lại cho những ai chấp nhận mức tăng lương 20 phần trăm, một số công nhân đã dao động trong quyết tâm đình công. Gandhi mạnh mẽ lên tiếng kêu gọi công nhân giữ vững lập trường, nhắc tới tính chất công bằng của mức tăng lương 35 phần trăm.
(3) Tuyệt thực: Khi thấy dấu hiệu yếu lòng trong hàng ngũ công nhân (có cả thái độ đe dọa đối với những công nhân bỏ cuộc đi làm lại) Gandhi tuyên bố: “Trừ khi tất cả mọi người đình công củng cố lại và tiếp tục đình công cho đến khi đạt được một thỏa thuận, hoặc cho đến khi tất cả đều cùng rời nhà máy, tôi sẽ không ăn bất cứ thứ gì.” Và Gandhi đã làm điều ông quyết tâm. Ông khuyến cáo những công nhân khác không nên tuyệt thực như ông, nhưng nhiều người đã cùng tuyệt thực với ông trong ngày đầu tiên.
(4) Bác bỏ nhượng bộ đầu tiên: Vào đêm thứ ba của cuộc tuyệt thực, Ambalal Sarabhai, lãnh tụ đại diện giới chủ nhân, đồng ý chấp nhận tăng lương lập tức 35 phần trăm với điều kiện là Gandhi “từ nay về sau” sẽ không tiếp cận với công nhân nữa. Gandhi bác bỏ đòi hỏi “cắt cổ” này và cùng lúc công nhận sức ép có tính tiêu cực của cuộc tuyệt thực.
(5) Thỏa thuận: Để đáp lại quan điểm rằng giới chủ nhân cũng có “cam kết” của riêng mình phải tuân theo (cam kết không tăng lương quá 20 phần trăm), Gandhi đồng ý giải quyết tranh chấp bằng phân xử, và chấp nhận nhượng bộ một số chi tiết trong cuộc dàn xếp. Công thức dưới đây do Gandhi đề nghị đã được giới chủ nhân chấp thuận:
(a) Công nhân sẽ đi làm trở lại vào ngày hôm sau (20/3) và vào ngày hôm đó, họ sẽ nhận được mức tăng lương 35 phần trăm; và vào ngày thứ hai họ đi làm (21/3) họ sẽ được tăng lương 20 phần trăm.
(b) Từ ngày thứ ba (22/3) họ sẽ được tăng lương theo mức mà trọng tài sẽ quyết định (nhưng không vượt quá 35 phần trăm)
(c) Giáo sư Anandshanker Dhruva, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Gujarat, sẽ là Trọng tài.
(d) Trong thời gian trước khi có thông báo về con số cụ thể từ Trọng tài, công nhân sẽ nhận được mức tăng lương là 27,5 phần trăm.
(e) Số lương được tăng, theo quyết định của Trọng tài sẽ được điều chỉnh dựa trên số 27,5 phần trăm, có nghĩa là nếu con số của Trọng tài cao hơn 27,5 phần trăm thì giới chủ nhân sẽ trả thêm phần còn thiếu, ngược lại, nếu con số thấp hơn 27,5 phần trăm thì công nhân sẽ hoàn lại số dư đã nhận.
(6) Công nhân chấp nhận thỏa thuận: Gandhi kết thúc tuyệt thực khi thỏa thuận được chính thức công bố. Lãnh đạo của các ban ngành khác nhau trong phong trào công nhân đọc diễn văn bầy tỏ lòng biết ơn và chấp nhận việc giới chủ nhân mời kẹo. (Mời kẹo là tục lệ được thực hiện khi có điều vui mừng, cũng là biểu tượng của sự hài lòng.)
Phản ứng của đối phương:
(1) Cấm cửa nhà máy: Được giới chủ nhân áp dụng ngày 22/2.
(2) Chấm dứt cấm cửa: Ngày 12/3, mọi công nhân được mời đi làm trở lại để được tăng lương 20 phần trăm.
(3) Tuyên truyền phản biện: Truyền đơn được phân phát nhằm phản biện lý luận của những người đấu tranh. Dữ liệu về giá cả sinh hoạt do người đấu tranh đưa ra bị đặt vấn đề. Giới chủ nhân khuyến cáo công nhân rằng họ vẫn có thể kiếm thêm bằng cách “làm việc chăm chỉ và cẩn thận hơn” và cũng ám chỉ rằng nhà máy không phải là một đơn vị “làm công quả”.
(4) Tung tin đồn: Tin đồn để làm yếu lập trường của người đình công được cho là do giới chủ nhân tung ra và lan truyền.
(5) Thương lượng với Gandhi: Lãnh đạo đại diện giới chủ nhân (Ambalal Sarabhai) đề nghị đồng ý với mức tăng lương theo yêu cầu để thuyết phục Gandhi chấm dứt tuyệt thực, và yêu cầu Gandhi rời xa công nhân “từ nay về sau, và để những việc liên quan giữa chúng tôi và công nhân cho chúng tôi hoàn toàn tự giải quyết.”
(6) Thỏa hiệp: Đồng ý với đề nghị của Gandhi là đưa vấn đề ra cho trọng tài phân xử.
Kết quả:
(1) Trọng tài phân xử tranh chấp
(2) Quyết định: Cho tăng lương 35 phần trăm, dựa trên lương tháng 7, cho mọi công nhân nhà máy, cùng với 7,5 phần trăm bù đắp cho thời gian bắc cầu từ khi đi làm trở lại cho đến khi mức tăng lương cuối cùng được áp dụng. Quyết định được công bố ngày 8/10/1918.
(3) Hành xử ôn hòa của người đình công trấn an dư luận: Một sĩ quan Anh đã đúc kết các phản ứng quanh vụ Ahmedabad bằng lời tường trình rằng ông chưa hề thấy hoặc nghe nói về bất cứ một cuộc đấu tranh nào ôn hòa đến thế.
(4) Hiệu quả lâu dài: Sự phát triển của Hiệp hội Công nhân Dệt may Ahmedabad với một hiến chương cam kết mang lại quyền lợi chính đáng và bất bạo động cho mọi hội viên, và một chương trình hỗ trợ bao gồm trợ giúp y tế, quyền lợi phụ sản, giáo dục, thể dục, giải trí, và các hoạt động cải thiện xã hội – có thể nói đây là những việc tiên phong trong sinh hoạt công đoàn tại Ấn Độ.
***
ĐÚC KẾT CHIẾN DỊCH AHMEDABAD
Một điểm khác biệt của cuộc đấu tranh công nhân tại Ahmedabad là tuyệt thực đã được dùng như một vũ khí bất bạo động. Gandhi công nhận việc ông tuyệt thực đã mang tính bức ép, và trong hồi ký sau này ông công nhận cuộc tuyệt thực “có sai sót nghiêm trọng.” Ông cho biết quan hệ thân thiện ông từng có với giới chủ nhân đã khiến việc ông tuyệt thực “không thể không ảnh hưởng đến quyết định của họ.”
Tuy ông tuyệt thực vì công nhân chao đảo lập trường và để giúp họ vực dậy quyết tâm bãi công, nhưng ông nhận ra rằng “là một người đấu tranh vì lương tâm đúng nghĩa”, ông không nên tuyệt thực chống lại giới chủ nhân như thế, và “đáng lẽ ông chỉ nên để họ khách quan chịu tác động của những cuộc công nhân đình công mà thôi.”
Sau khi nhấn mạnh rằng giới chủ nhân không nên để việc ông tuyệt thực ảnh hưởng, Gandhi cũng thổ lộ: họ chỉ “nghe tôi nói với vẻ lạnh nhạt, lại còn dành cho tôi những lời mỉa mai chua chát, tuy tế nhị. Nhưng thực ra, họ có quyền làm thế.”
[iii]
Rõ ràng là theo Gandhi nhận định, cuộc đấu tranh tại Ahmedabad không đạt đến mức một cuộc đấu tranh vì lương tâm lý tưởng, nhưng vẫn đủ chất lượng để được gọi là một đấu tranh vì lương tâm theo định nghĩa đưa ra ở chương sách này. Điều này càng rõ khi nghiên cứu các đặc tính và bước hành động khác trong quá trình đấu tranh:
Công bằng xã hội, và biểu hiện của nó là yêu cầu tăng trợ cấp, đã tạo nên yếu tố “sự thật” (chính nghĩa) của phong trào. Việc phân xử tranh chấp qua trọng tài cũng là một giải pháp thay thế khả thi. Yếu tố bất bạo động đã được tôn trọng với chỉ vài sai trái nhỏ, khi một số người có thái độ “đe dọa” những công nhân bỏ cuộc. Yếu tố tự khổ được chứng minh qua việc công nhân hy sinh lương trong thời gian đình công và việc Gandhi tuyệt thực.
Việc giúp công nhân trang bị kỹ năng làm việc trái với tay nghề vốn có, nhất là loại việc thường được xem như không xứng tầm, là một khác biệt mới mẻ trong cuộc đấu tranh. (Công nhân dệt có tay nghề cao được giới lãnh đạo đấu tranh thuyết phục để làm những việc như khuân gạch xây trường tại cộng đoàn.) Những hoạt động hỗ trợ công ích khác, như vận động giữ gìn vệ sinh, cũng đã được thực hiện mặc dù thời gian đình công khá ngắn ngủi.
Công tác quảng bá là phần không thể thiếu trong cuộc đấu tranh công nhân này, bằng hàng loạt những truyền đơn do giới lãnh đạo đấu tranh phân phát và bằng việc hô các khẩu hiệu khi diễu hành qua đường phố Ahmedabad. Nhiều nỗ lực được thực hiện để giải quyết tranh chấp trước khi phải dùng đến biện pháp mạnh. Xuyên suốt, thế chủ động luôn ở trong tay người đấu tranh, mặc dù chỉ có ít những hành vi bất bạo động có tính tấn công tích cực. Yếu điểm nội bộ trong hàng ngũ công nhân cũng được nhìn nhận rõ ràng, và quyết định tuyệt thực của Gandhi cũng là lời xác nhận cho yếu điểm đó.
Phong trào tại Ahmedabad cho thấy vai trò của trọng tài trong một cuộc đấu tranh vì lương tâm. Người đấu tranh vì lương tâm tin rằng yêu sách của mình được đặt ở mức tối thiểu, phù hợp với “sự thật” và quyền lợi chính đáng, đồng thời họ cũng ý thức rằng mình có thể sai, và sẵn sàng thay đổi suy nghĩ nếu mình sai. Người đấu tranh trong trường hợp này tuy giữ vững lập trường đòi tăng lương 35 phần trăm, nhưng họ cũng không thể thay đổi lập trường của giới chủ nhân. Vào bất cứ giai đoạn nào của cuộc đấu tranh, việc phân xử đều có thể diễn ra như một công cụ để giải quyết tranh chấp, miễn là người đấu tranh thấy rằng không khí đã cải thiện để phân xử có thể diễn ra công bằng và hiệu quả.
Tại Ahmedabad, cũng vì phân xử đổ vỡ lúc ban đầu nên đấu tranh đã nổ ra. Người đấu tranh đã thành công trong việc thay đổi tình thế, khiến phân xử được tái lập. Gandhi tin rằng người đấu tranh không có gì để mất khi đưa tranh chấp cho bên thứ ba phân xử, miễn là yêu sách được đưa ra ở mức thấp nhất có thể. Ông sẵn sàng đưa vấn đề ra trước trọng tài và dự đoán trọng tài sẽ có một quyết định thuận lợi cho công nhân. Sự tự tin này đã đúng, vì cuối cùng mức tăng lương 35 phần trăm đã được đồng ý.
Rõ ràng, người đấu tranh có rủi ro khi đưa vấn đề ra phân xử, vì họ phải tuân thủ phán quyết của bên thứ ba, trong khi phán quyết này lại dựa trên những gì bên thứ ba xem là “chính nghĩa”, là “sự thật”. Nhưng dù sao thì người đấu tranh vì lương tâm cũng phải tìm giải pháp bằng hình thức thương lượng hay trọng tài nào đó trước khi bị buộc phải dùng biện pháp mạnh. Tùy thuộc vào tính chất riêng của từng cuộc đấu tranh, phán quyết cuối cùng của cuộc phân xử có thể giúp cuộc đấu tranh kết thúc.
Một ý nghĩa quan trọng khác của cuộc đấu tranh Ahmedabad được phản ảnh qua sự phát triển của Hiệp hội Công nhân Dệt may Ahmedabad, được hình thành sau khi công nhân tham gia cuộc đấu tranh này và những cuộc đấu tranh sau đó. Nhà nghiên cứu G.N. Dahwan năm 1946 nhận định rằng Hiệp hội Công nhân Dệt may Ahmedabad là “công đoàn lao động hùng mạnh nhất toàn quốc, với số thành viên 55.000 người”, được công nhận là một công đoàn xuất sắc vì “tính cách địa phương đặc thù của mình… và vì cách giải quyết tranh chấp bằng phân xử và hòa giải, được hoàn thiện nhờ ảnh hưởng của Gandhi.”
[iv] Sự quyết tâm tuân thủ nguyên tắc bất bạo động và hoạt động vì lợi ích an sinh của công đoàn là rất đáng kể. Kể từ năm 1939, Công đoàn đã huấn luyện công nhân biết làm những công việc thay thế khác, để trong trường hợp nhà máy đóng cửa hay đình công, hoặc mất việc, họ vẫn có thể kiếm sống. Chương trình huấn luyện này theo đúng những nguyên lý nền tảng của đấu tranh vì lương tâm.
(Còn tiếp)
Nguồn: Joan Bondurant, Conquest of Violence – the Gandhian Philosophy of Conflict, Nhà Xuất bản Đại học Princeton, Mỹ, phát hành năm 1952, bản hiệu đính năm 1988, từ trang 15 đến trang 104
Bản tiếng Việt © 2014 Phan Trinh & pro&contra
[i] Dữ liệu cho phần này được lấy từ các nguồn sau: Mahadev Desai,
The Story of Bardoli: Being a History of the Bardoli Satyagraha of 1928 and Its Sequel (Ahmedabad: Navajivan, 1929). Tài liệu kỹ lưỡng và bám sát thực tế này về chiến dịch Bardoli được chính quyền Ấn Độ công nhận là có độ tin cậy bậc nhất. Mahadev Desai là một trong ba đại diện của nông dân vào thời điểm diễn ra cuộc điều tra của Ủy ban Broomfield sau chiến dịch đấu tranh vì lương tâm. Các phụ lục của tác phẩm này gồm những tài liệu sau đây, cung cấp thêm những dữ liệu quan trọng: Thông báo của Chính quyền Bombay (21/5/1928) gửi chủ sở hữu đất tại khu vực huyện Bardoli và xã Valod; Thư trả lời của Ngài Leslie Wilson gửi cho K. M. Munshi (29/5/1928); Diễn văn của Thống đốc Bombay tại Hội đồng Lập pháp (23/7/1928); Gregg, sđd; G. N. Dhawan
, The Political Philosophy of Mahatma Gandhi (Bombay: The Popular Book Depot, 1946); Diwakar, sđd; B. Pattabhi Sitaramayya,
The History of the Indian National Congress: 1885-1935 (Madras: Working Committee of the Congress, 1935);
The Indian Year Book, 1929, do Ngài Standley Reed và S. T. Sheppard hiệu đính (Bombay: Bennett, Coleman, 1929);
The Indian Quarterly Register, Nripendra Nath Mitra hiệu đính (Calcutta: Annual Register Office, 1930), Vol. II, Tháng 7 đến Tháng 12/ 1928, Vol. I, Tháng 1 đến Tháng 6/1929;
Jawaharlal Nehru: An Autobiography (London: John Lane, The Bodley Head, tái bản với chương mới, 1942). Xem thêm báo
Times of India trong thời gian từ Tháng 3 đến Tháng 8/1928 để biết ý kiến của phe ủng hộ chính quyền và chống đấu tranh vì lương tâm chung quanh vụ Bardoli.
[ii] Dữ liệu cho phần này được lấy từ các nguồn sau: M. K. Gandhi,
An Autobiography or The Story of My Experiments with Truth, do Mahadev Desai dịch từ nguyên bản tiếng Gujarati (Ahmedabab: Navajivan, 1940); Mahadev Haribhai Desai,
A Righteous Struggle: A Chronicle of the Ahmedabad Textile Labourers’s Fight for Justice, do Sommath P. Dave dịch từ nguyên bản tiếng Gujarati, Bharatan Kumarappa hiệu đính (Ahmedabad: Navajivan, 1951). Phụ lục tác phẩm này là nguyên văn những tư liệu sau: (a) tuyên bố của công nhân, (b) tuyên bố của giới chủ nhân, (c) quyết định của trọng tài, (d) lời giải thích của Gandhi về cuộc đấu tranh và cuộc tuyệt thực của ông, (e) các tờ rơi phổ biến trong cuộc đấu tranh. Diwakar, sđd;
Indian Labour Gazette, Government of India, Ministry of Labour, Labour Bureau, Vol. VIII, No. 9, Tháng 3/1951 (New Dehli: 1951); R. N. Bose,
Gandhian Technique and Tradition in Industrial Relations (Calcutta: All India Institute of Social Welfare and Business Management, 1956).
[iii] Gandhi, sđd, tr. 348.
[iv] Dhawan, sđd, tr. 239-240