Những điểm đáng lưu ý tại phiên báo cáo UPR của Việt Nam


Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc đọc diễn văn.
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc đọc diễn văn.
Trà Mi-VOA
Buổi kiểm điểm nhân quyền định kỳ phổ quát UPR của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc vừa kết thúc lúc 18 giờ chiều (giờ Geneva).
Sau phần báo cáo dài nửa tiếng đồng hồ của Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đến phần chất vấn và khuyến nghị của quốc tế đối với tình hình nhân quyền Việt Nam.

Theo nhận xét của các nhà hoạt động người Việt cả trong lẫn ngoài nước có mặt tham dự kỳ UPR này, Hà Nội đã đáp lại những thắc mắc và quan tâm của quốc tế một cách chung chung. Những câu hỏi thẳng thắn từ các nước như Mỹ, Canada, hay Anh Quốc liên quan đến quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, và tù nhân lương tâm tại Việt Nam đã không nhận được câu trả lời cụ thể từ Hà Nội. Như đợt báo cáo UPR lần trước vào năm 2009, Việt Nam lần này cũng không công nhận có vi phạm nhân quyền hoặc đưa ra những hứa hẹn cải thiện ở những lĩnh vực đó.

Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ quyền làm người Việt Nam nhiều năm vận động tại Liên hiệp quốc liên quan đến vấn đề nhân quyền Việt Nam, tham dự phiên Kiểm điểm UPR lần này, cho biết:

“Phía Việt Nam trả lời rất chung chung. Họ chỉ thuần túy tuyên truyền. Các quốc gia đặt rất nhiều vấn đề từ tự do ngôn luận đến các blogger bị bắt bớ đàn áp. Họ nêu vấn đề rất rõ ràng trong thiện chí muốn Việt Nam thăng tiến nhân quyền. Họ rất lưu tâm. Lẽ ra ít nhất phái đoàn Việt Nam nên đưa ra những lời hứa cải thiện, nhưng họ tuyệt đối không đề tới những việc quốc tế nêu lên. Điều này chứng tỏ Việt Nam đã không chấp nhận những khuyến nghị để thăng tiến nhân quyền, chứng tỏ họ không có một chính sách cải thiện nhân quyền.”

Thuật lại những điểm chính đáng chú ý của buổi UPR lần này trong lúc đang dự khán phần kiểm điểm của Hà Nội tại Geneva, luật sư nhân quyền Trịnh Hữu Long đến từ Việt Nam nói anh không ngạc nhiên vì tuyên truyền ‘thành tựu’ và chối bỏ những chỉ trích về vi phạm nhân quyền là những điều Hà Nội đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần trước nay.


Trịnh Hữu Long: Mỹ, Anh, Phần Lan, Pháp và một số nước đưa ra các chất vấn và khuyến nghị rất cụ thể, xác đáng về tự do ngôn luận, án tử hình, và tù nhân lương tâm. Mỹ có đặt vấn đề trả tự do cho một số người bao gồm luật sư Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày, Trần Huỳnh Duy Thức. Họ cũng yêu cầu Việt Nam xem xét lại các điều luật vi phạm nhân quyền như điều 88, 79, 258 hình sự hóa các hoạt động biểu đạt tư tưởng. Họ yêu cầu Hà Nội đảm bảo quyền tự do tôn giáo, hội họp, thông tin, chấm dứt sách nhiễu những người thực thi quyền con người.

VOA: Phía Việt Nam hồi đáp những chất vấn này thế nào?

Trịnh Hữu Long: Các phản hồi của họ đều mang tính chung chung, biện minh cho thành tích nhân quyền vốn không sáng sủa gì. Ví dụ như đại diện ngành truyền thông Việt Nam tại buổi UPR này nói Việt Nam hoàn toàn không kiểm duyệt báo chí, không kiểm duyệt internet, rằng Nghị định 72 không đề ra những hạn chế nào đối với tự do ngôn luận và rằng Việt Nam hiện có 3 triệu blogger thể hiện chính kiến hoàn toàn tự do trên mạng internet. Đại diện Bộ Công an nói Việt Nam đã thực hiện các cam kết quốc tế đảm bảo quyền của người bị giam. Trong khi đó một ví dụ qua trường hợp của luật sư Lê Quốc Quân cho thấy anh hòan tòan không được sự trợ giúp pháp lý nào trong quá trình anh đang kháng cáo. Đại diện Bộ Tư Pháp nói họ sẽ đưa Bộ luật Hình sự sửa đổi vào nghị trình sắp tới của Quốc hội mà trong đó sẽ giảm một số tội chịu án tử hình, nhưng giữ lại một số tội nghiêm trọng chịu án tử hình bao gồm các tội xâm phạm đến sự tồn vong của nhà nước. Ở đây chúng ta có thể nghĩ ngay đến điều 79 ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’, một tội danh có án tử hình, để thấy ngay quan điểm của nhà nước Việt Nam về nhân quyền là như thế nào.

VOA: Tự do ngôn luận là một trong những điểm gây chú ý quốc tế khi nói đến nhân quyền Việt Nam. Tại UPR lần này, Việt Nam có đưa ra hứa hẹn nào liên quan đến việc cải thiện tự do ngôn luận không?

Trịnh Hữu Long: Khi cuộc phỏng vấn này đang diễn ra, chưa đến phần Việt Nam đồng ý hay không đồng ý với các khuyến nghị của quốc tế. Việc này chỉ có thể diễn ra ít nhất 48 giờ sau phiên chất vấn UPR hôm nay. Sau đó chúng ta mới biết là Việt Nam có đồng ý hay không đồng ý. Hiện tại họ chưa đưa ra bất kỳ hứa hẹn nào về cải thiện nhân quyền cả.

Trước buổi UPR của Việt Nam, nhiều nhóm cổ súy nhân quyền của người Việt trong và ngoài nước kết hợp với các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế đã tổ chức những buổi hội thảo ngay tại trụ sở Liên hiệp quốc để lưu ý thế giới về những vi phạm nhân quyền của Hà Nội và yêu cầu tăng áp lực buộc Hà Nội phải thực tâm cải thiện quyền con người.

Source : VOA